Banner header
Pororo Mall Việt Nam

​​​​​​​Bé chậm tăng cân nên bổ sung gì?

 CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI THÀNH BẢO MINH   |    Ngày 26/03/2024

 

Cân nặng không chỉ quyết định đến ngoại hình mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bé. Nếu bé yêu của mẹ chậm tăng cân, dù đã làm nhiều cách nhưng không cải thiện thì hãy tham khảo ngay các gợi ý sau đây của Pororo Mall Việt Nam nhé. 

Bé chậm tăng cân khiến mẹ vô cùng lo lắng

Nguyên nhân khiến bé biếng ăn, chậm tăng cân

Bé biếng ăn, chậm tăng cân có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này: 

Do chế độ ăn của trẻ thiếu cân đối

Trẻ nhỏ cần được bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản gồm: chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất để đảm bảo tăng trưởng ổn định và toàn diện. Tuy nhiên, do thói quen và sở thích, các bé thường chỉ ăn đi ăn lại những món sở trường hoặc đồ ăn nhanh dẫn đến thiếu cân bằng dinh dưỡng:

  • Thiếu vitamin nhóm B (B1, B2, B6, B12): Dẫn đến việc chuyển hóa thức ăn trong cơ thể chậm hơn, bé không có cảm giác đói nên không chịu ăn hoặc ăn ít. 

  • Thiếu kẽm và selen: Khiến cơ thể bé khó hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn, ăn uống không ngon miệng. 

  • Thiếu chất xơ: Dễ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, táo bón khiến bé khó chịu và sợ ăn.

  • Thiếu protein: Làm bé mệt mỏi, uể oải, không có năng lượng và chậm tăng cân. 

Do bé đang khó chịu trong người

Khi bé cảm thấy không khỏe và khó chịu trong người thì sẽ không muốn ăn uống, dẫn đến dinh dưỡng nạp vào không đủ và chậm tăng cân. Mẹ hãy theo dõi xem bé có đang gặp phải các tình trạng sau không nhé:

  • Bé gặp vấn đề ở vùng miệng như: mọc răng, sâu răng, nhiệt miệng, nấm lưỡi… khiến vùng miệng bị đau dẫn đến sợ ăn.

  • Bé mắc các bệnh đường ruột như: tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, trào ngược, khó tiêu… khiến bé khó chịu, bỏ ăn và hấp thu dinh dưỡng kém.

  • Bé mắc các bệnh về đường hô hấp (viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi): cảm giác mệt mỏi, đau mỗi lần nuốt thức ăn nên bé thường không chịu ăn hoặc ăn rất ít.

  • Bé bị nhiễm giun sán: đa số dưỡng chất trong thức ăn bé nạp vào cơ thể sẽ bị giun, sán hấp thụ hết, dẫn đến việc thiếu dinh dưỡng và bé chậm tăng cân. 

  • Bé dùng kháng sinh dài ngày hoặc bổ sung sắt, vitamin A, D quá liều cũng sẽ có những biểu hiện chán ăn, bỏ ăn, ăn uống không ngon miệng.

Mệt mỏi trong người sẽ khiến bé ăn uống không ngon miệng và chán ăn.

Do thói quen ăn uống không tốt của bé

Một số thói quen không tốt có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống và cân nặng của bé:

  • Mẹ cho bé ăn không có giờ giấc, hay ăn quá nhiều đồ ăn vặt khiến bé luôn trong trạng thái no ngang bụng và không ăn được nhiều vào bữa chính.

  • Cho bé vừa ăn vừa xem tivi hay điện thoại khiến bé mất tập trung, không cảm nhận được vị ngon của món ăn. Thói quen này còn khiến bé bị phụ thuộc vào điện thoại, tivi, khi không có những thứ này bé sẽ không chịu ăn. 

  • Mẹ chế biến món ăn không hấp dẫn, quá mặn hoặc quá nhạt hoặc cho bé ăn liên tục 1-2 món ăn trong khoảng thời gian dài khiến bé chán ngán.

Do tâm lý của bé không ổn định

Tâm lý không ổn định là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc chán ăn, chậm tăng cân ở trẻ nhỏ. Những điều sau đây có thể tác động đến tâm lý bé, mẹ cần lưu ý và tránh mắc phải nhé:

  • Bé bị cha mẹ quát mắng, ép ăn hết khẩu phần, lâu dần sẽ dẫn đến tâm lý sợ sệt mỗi khi tới bữa ăn (biếng ăn tâm lý).

  • Thay đổi môi trường sống đột ngột, thay đổi giờ ăn, nơi ăn cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến bé biếng ăn.

  • Cha mẹ hời hợt với bé trong bữa ăn, không tập trung, mỗi người làm một việc mà không quan tâm đến bé khiến bé không có hứng thú, thậm chí là chán ghét việc ăn uống. 

Bé bị dọa nạt, ép ăn hết khẩu phần dẫn đến tình trạng biếng ăn tâm lý.

Ảnh hưởng của việc bé biếng ăn, chậm tăng cân

Tình trạng biếng ăn, chậm tăng cân lâu ngày không chỉ khiến ngoại bé hình gầy gò, thiếu sức sống mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé:

  • Kém phát triển thể chất: Bé biếng ăn, thiếu hụt dinh dưỡng gây ra uể oải, mệt mỏi, thiếu năng lượng. Tình trạng này kéo dài có thể làm bé bị còi xương, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, cân nặng về sau. 

  • Hệ miễn dịch kém: Bé biếng ăn chậm tăng cân thường có hệ miễn dịch kém. Do đó, những em bé này hay ốm vặt, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, mỗi đợt ốm kéo dài, lâu hồi phục hơn. 

  • Ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ: Dinh dưỡng là một trong ba yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ (di truyền, học tập rèn luyện và dinh dưỡng). Vì vậy trẻ biếng ăn chậm tăng cân lâu ngày sẽ làm khả năng ghi nhớ và trí thông minh giảm sút, ảnh hưởng đến khả năng học tập, ngôn ngữ và tư duy. Các hoạt động hàng ngày của bé cũng không linh hoạt, nhanh nhẹn như các bạn ăn uống đủ chất, tăng trưởng ổn định. 

Bé biếng ăn nên bổ sung thực phẩm gì để tăng cân hiệu quả?

Để cải thiện cân nặng của bé nhanh chóng mà vẫn đảm bảo khoa học, lành mạnh, mẹ có thể bổ sung cho bé những thực phẩm sau vào khẩu phần ăn hàng ngày: 

Bổ sung dinh dưỡng từ sữa

Sữa là nguồn bổ sung dinh dưỡng dồi dào, rất thích hợp với những em bé cần tăng cân. Trong sữa có hàm lượng lớn protein, chất béo, canxi, vitamin D… giúp xây dựng hệ cơ, xương chắc khỏe và phát triển cân nặng ổn định. Ngoài sữa tươi, mẹ có thể bổ sung cho bé sữa dinh dưỡng Pororo hay các sản phẩm làm từ sữa như: sữa chua, phô mai, bơ… cũng đều cung cấp dưỡng chất lành mạnh cho bé rất hiệu quả. 

Nguồn dinh dưỡng toàn diện từ sữa Pororo rất thích hợp cho những bé cần tăng cân.

Trứng gà 

Mỗi quả trứng gà cung cấp khoảng 78 kcal, 6gr protein và 5gr chất béo. Đây đều là những thành phần dinh dưỡng rất tốt cho sự phát triển thể chất của trẻ. Ngoài ra trứng gà còn giàu vitamin và khoáng chất thiết yếu, giúp bé tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ hấp thu các dưỡng chất tốt hơn. Với những bé từ 2 tuổi trở lên, mẹ có thể cho bé ăn 3-4 quả trứng gà mỗi tuần. 

Quả Bơ

Bơ cung cấp nguồn đạm thực vật dồi dào và chất béo lành mạnh cho bé. Một quả bơ cỡ vừa chứa tới 322 kcl, 29gr chất béo và 4gr protein. Ngoài ra, bơ còn giàu vitamin C, B, E và các khoáng chất thiết yếu như: sắt, magie, kali… giúp bé tăng cường sức đề kháng, khỏe mạnh và phát triển thể chất tốt hơn. 

Thịt bò

Thịt bò giàu protein và các axit amin, cùng với đó, thịt bò cũng cung cấp lượng lớn vitamin B6, B12 và các khoáng chất quan trọng như: sắt, kẽm, selen, photpho nên rất tốt cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. 

Đậu nành

Đậu nành có hàm lượng đạm thực vật lớn, nhiều chất béo lành mạnh cùng những khoáng chất như: canxi, sắt, mangan, selen… nên rất tốt cho hệ cơ, xương của bé. Đậu nành cũng dễ chế biến, ngoài việc làm thành các món ăn, mẹ còn có thể biến tấu nguyên liệu này thành món sữa đậu nành siêu thơm ngon, cung cấp dinh dưỡng dồi dào cho bé. 

Lời kết

Trên đây là một số gợi ý về các loại thực phẩm lành mạnh mà mẹ nên bổ sung cho bé chậm tăng cân. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích, giúp mẹ sớm cải thiện được thể trạng và cân nặng của bé yêu. 

Xem thêm: 8 cách giúp bé tăng cân đơn giản và hiệu quả.

Chia sẻ bài viết:
Viết bình luận của bạn:
hotline
02423479797

Giỏ hàng